Forum Orange Ngang

3 mẫu xe cầm tinh con thú

Con người có nick có name. Con xe cũng có nickname như người. Biệt danh là một phần của cuộc sống, chúng ta muốn tránh cũng không được. Bởi biệt danh phần…

Chủ Nhật, 17/09/2023
0 comments
Cầm Tinh Con Thú

Con người có nick có name. Con xe cũng có nickname như người. Biệt danh là một phần của cuộc sống, chúng ta muốn tránh cũng không được. Bởi biệt danh phần lớn được người khác dán nhãn cho mình. Chữ “danh” tự dựng lên được, cũng có thể bị hạ xuống được.

Con bọ Volkswagen Beetle

Năm 1937, sau khi phác thảo và đặt tên cho một mẫu xe với yêu cầu: 4 chỗ, nhỏ gọn, giá rẻ, ông trùm Hitler cho gọi nhà thiết kế xe hơi đại tài thời đó – Ferdinand Porsche vào họp. Chỉ một năm sau, tức năm 1938, phiên bản đầu tiên của mẫu xe huyền thoại bất diệt Beetle “con bọ” ra đời theo lệnh. Tên hãng xe Volkswagen cũng bắt đầu xuất hiện vào thời kỳ này, sau đó từng bước phát triển thành ông trùm Volkswagen Group như hiện tại.

Từ ngày đó đến nay, trải qua nhiều lần điều chỉnh và thay đổi (rất nhỏ) từ mui cứng đến mui trần, Beetle “con bọ” đã trở thành mẫu xe biểu tượng của thế kỷ 20. Mẫu xe có doanh số bán hàng lớn nhất thế giới. Mẫu xe có vòng đời kinh khủng, được sản xuất trong hơn 80 năm (bắt đầu từ năm 1938 tại Đức, kết thúc năm 2019 tại nhà máy ở Mexico).

Trong hơn 80 năm binh đao lửa đạn lẫn xu hướng đổi thay, kiểu dáng Beetle vẫn không khác mấy so với ngày đầu. Vẫn cái mu tròn. Vẫn cái đít cong. Vẫn nắp capo uốn lượn. Không chỉ chạy trên đường, Beetle con bọ xuất hiện trong tranh ảnh, điện ảnh, thơ ca. Nếu có cơ hội tham dự offline của hội Beetle Việt Nam, bạn mới cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp không gì có thể diễn tả được của huyền thoại bất tử “con bọ”. Xe cổ, nó khác xe cũ.

Con cóc Renault 4CV

Một trong những mẫu xe có thể xếp vào hàng ngũ huyền thoại của hãng Renault – Pháp bởi 3 lý do. Thứ nhất: chiếc xe được các kỹ sư Pháp lén lút phát triển trong suốt thời kỳ chiến tranh, khi Đức chiếm đóng Pháp, nhà máy sản xuất ô tô được tận dụng cho mục đích quân sự. Thứ hai: chiếc xe đầu tiên của Pháp đạt số lượng sản xuất trên 1 triệu chiếc. Thứ ba: chiếc xe được trưng bày trong bảo tàng ô tô thế giới, như một chứng tích hào hùng cho công trạng lẫy lừng của hãng xe Renault.

Ra mắt thế giới lần đầu tiên năm 1946 với khẩu hiệu “4 cửa, 4 chỗ, 4 mã lực, 440.000 francs!”, Renault 4CV nhanh chóng cập cảng Sài Gòn vào thập niên 50 để chuyên chở quan chức, lãnh đạo, cán bộ. Đến thập niên 60, số lượng lớn xe Renault 4CV được sơn lại 2 màu trắng-xanh, chuyển đổi thành “taxi con cóc” phủ sóng khắp Sài Gòn, trở thành một trong những đặc điểm nhận diện nổi bật nhất về Sài Gòn xưa.

Chiếc Renault 4CV nổi tiếng nhất Việt Nam là xe của nhà tình báo kỳ tài Phạm Xuân Ẩn. Sài Gòn trước 1975, Renault cùng với Citroen, Peugeot, Fiat là 4 hãng xe tung hoành ngang dọc mọi nẻo đường. Renault đã vào Việt Nam 2 lần, nhưng cả 2 lần đều “ăn đạn” Nhật – Hàn – Mỹ – Đức nên rút lui không kèn không trống vào năm 2021. Chất Pháp xưa, khác Pháp nay nhiều lắm. Trong tất cả mọi thứ.

Cá mập Toyota Hiace

Toyota Hiace (phát âm Hi Ace) đã trải qua 6 thế hệ kể từ năm 1967, và ở mỗi thế hệ, Hiace đều là best seller trong phân khúc xe thương mại bình dân chở khách ở 2 thị trường chiến lược Châu Á và Châu Phi. Cột mốc đầu tiên của Toyota Hiace tại Việt Nam được ghi nhớ vào tháng 08 năm 1996, chiếc xe đầu tiên của Toyota xuất xưởng tại Việt Nam chính là Toyota Hiace thuộc thế hệ thứ 4 trên thế giới (sau đó mới đến Corolla năm 1997). Sau khi lăn bánh trên đường, biệt danh “Toyota cá mập” ra đời, bởi dáng vẻ to lớn của chiếc xe 16 chỗ, thong thả lướt nhanh, cắn chết hết mấy con xe chở khách cũ kỹ, gỉ sét ra đời trước đó.

Từ năm 1998 đến 2002 là thời kỳ huy hoàng của Toyota Hiace tại Việt Nam. Toyota cá mập xuất hiện trong sân bay đưa đón Việt kiều; chuyên chở hành khách trong những chuyến xe liên tỉnh; bao xe trọn gói từ đi chơi, đi chùa đến đám cưới, đám tang. Đặc biệt Toyota cá mập còn chở full team băng đảng xã hội đen Hồng Kông trong những cảnh phim hành động của TVB. Cửa xe vừa lùa ra, mấy anh cầm đao cầm kiếm lao xuống đường, ngầu lắm luôn. Một cách ngắn gọn, khi nhu cầu chuyên chở trên 12 người xuất hiện, Toyota cá mập là lựa chọn đầu tiên, khỏi nghĩ.

Nhận thấy tiềm năng to lớn của phân khúc này, Ford Việt Nam ship con Ford Transit về, và ngay lập tức hất cẳng Toyota cá mập, thay thế vị trí best seller. Phân khúc minibus 16 chỗ đầu những năm 2000 chỉ xoay quanh bộ 3: Toyota cá mập, Ford Transit và Mercedes MB140 (được thay thế bởi “Vận động viên chạy nước rút” Mercedes Sprinter năm 2004). Đến năm 2018, Toyota mang cá mập nhập khẩu Thái Lan quay lại thị trường Việt Nam, nhưng lúc này, thời thế đã khác, phong thuỷ đã khác. Cá mập bị rúc rỉa chỉ còn bộ xương, quay về biển lớn từ năm 2022. Con xe hay con người, đều có thời của mình. Thuận thời thì phất. Nghịch thời thì thôi.

Lời kết

Thời của con bọ, con cóc, cá mập đã khép lại, chỉ còn trong tuổi thơ dữ dội, trong ký ức lấp lánh của mấy ông già. Với bạn trẻ ngày nay, là ngựa chồm Ferrari, là siêu bò Lamborghini. Ước mơ cưỡi ngựa, lái bò đã trở nên điên đảo. Nhiều người thấy hào phóng, chứ thực ra đang vay nóng.

"LỜI KHEN, LỜI PHÊ"

Khảo sát

Bình Luận