Forum Orange Ngang

Đẹp xe Hàn. Sang xe Đức. Tức Toyota

Lịch sử dân tộc luôn ảnh hưởng rất lớn đến con người, văn hóa, chính trị và kinh tế của một quốc gia. Tại những đất nước chọn sản xuất ô tô…

Chủ Nhật, 05/05/2024
0 comments
Dep Xe Han Thumbnail

Lịch sử dân tộc luôn ảnh hưởng rất lớn đến con người, văn hóa, chính trị và kinh tế của một quốc gia. Tại những đất nước chọn sản xuất ô tô là ngành công nghiệp mũi nhọn như Hàn, Đức, Nhật lịch sử nói lên nhiều điều chỉ qua một chiếc xe.

Văn hóa Hàn len lỏi trong từng thiết kế

Dưới bóng ma khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, Hàn Quốc vực dậy đất nước nhờ ngành công nghiệp sản xuất ô tô và thiết bị điện tử. Khi mức sống tăng, thị hiếu trưởng thành, mong muốn chứng tỏ bản thân trước bạn bè quốc tế trở nên mạnh mẽ. Bản sắc văn hóa được lựa chọn trở thành phương tiện ngoại giao để khẳng định sự hiện diện và tính độc lập của Hàn Quốc trước cộng đồng thế giới. Một phần trong văn hóa của đất nước này là đề cao cái đẹp và chủ nghĩa ngoại hình. Từ triều đại Silla, một trong những triều đại lâu đời và phát triển nhất của lịch sử Hàn Quốc đã hình thành nên triết lý “Trong một cơ thể đẹp ẩn chứa một tâm hồn đẹp”. Chính hệ tư tưởng đó đã định hình văn hóa người dân xứ sở kim chi, len lỏi vào từng ngóc ngách trong bộ máy vận hành của một quốc gia. Điều này giải thích cho lý do thẩm mỹ con người tại Hàn Quốc đã trở thành một ngành công nghiệp không khói. Tương tự cho thẩm mỹ ô tô.

Nhìn vào ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc, dễ thấy triết lý này thể hiện rõ nét trong các mẫu xe của Hyundai và Kia. Tuy khởi điểm không phải thương hiệu quá nổi trội về thiết kế, Hyundai phải mất một thời gian dài loay hoay đi tìm chỗ đứng trong mắt người dùng bởi những thiết kế trung tính, thiếu điểm bứt phá. Đã có thời Hyundai tạo được điểm nhấn với chiếc Hyundai Pony năm 1966, nhưng phải đợi đến khi thành lập trung tâm thiết kế California năm 1990, tiếp cận những ý tưởng phóng khoáng, táo bạo hơn từ phương Tây, mọi sự bắt đầu khởi sắc. Theo sau đó là thời kỳ hoàng kim với những cái tên Santa Fe, Elantra, Staria hay Grandeur, Ioniq luôn nằm trong danh sách những mẫu xe đẹp của năm. Kia luôn biết cách tự làm mới mình qua từng thời kỳ, với hàng loạt mẫu xe có phong cách thiết kế đột phá, từ Kia K5 đẹp lạ lùng đến Kia Carnival đẹp đúng đỉnh. 

Mới đây, để tăng sức mạnh thiết kế, Kia công bố sự hợp tác giữa John Buckingham – nhà thiết kế ngoại thất từng là Giám đốc sáng tạo của BMW, người đứng sau BMW 8-Series Concept lừng danh và Phó chủ tịch Teck-Koun Kim – cựu thiết kế chính của Mercedes-Benz. Hai nhà thiết kế tiếng tăm bắt tay nhau, hứa hẹn mở ra một chương rực rỡ cho lịch sử thiết kế của Kia nói riêng, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc nói chung. Trước vẻ đẹp không ngừng được làm mới của các mẫu xe Hàn đang trình diễn, tín đồ yêu xe hoàn toàn có lý do chính đáng để mong chờ được ngắm nhìn, để có cơ hội tán thưởng những tác phẩm nghệ thuật di động lăn bánh trên các cung đường thế giới.

Giá trị thương hiệu của đế chế Đức

Giáng sinh năm 1879, ngoài tiếng hát của dàn hợp xướng nhà thờ ngân vang khúc ca kỷ niệm ngày Chúa Jesus ra đời, thế giới còn nghe thấy âm thanh rầm rầm từ động cơ hai thì của Benz nổ máy. Sau sáu năm, kỹ sư đại tài người Đức Carl Benz thông báo xuất xưởng thành công Patent-Motorwagen, chiếc xe hơi đầu tiên của thế giới, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử nhân loại, trở thành niềm tự hào vĩnh viễn của người dân Đức.

Chất lượng đỉnh cao, xa hoa tuyệt đối. Hai thứ không thể phủ nhận khi nhắc đến xe Đức. Từng sản phẩm được chăm chút tỉ mẩn với tiêu chuẩn bậc cao, từ kết cấu động cơ tới vật liệu tinh tuyển, thiết kế nội, ngoại thất. Mỗi chiếc xe đều chứa đựng tinh hoa trong từng chi tiết, tạo nên đường nét hoàn mỹ làm say đắm cả thế giới. Riêng tại Việt Nam, Mercedes luôn gắn liền với chữ #sang từ năm 1996.

Đổi mới công nghệ là điều ngành công nghiệp ô tô Đức luôn tiên phong. Họ không ngừng nghiên cứu, phát triển, tích hợp những công nghệ mới nhất vào sản phẩm, từ việc phát minh ra hệ thống an toàn, công nghệ hỗ trợ lái xe, đến khả năng tăng tốc, tối ưu tiêu thụ nhiên liệu. Công nghệ xe Đức luôn đi đầu trong việc thiết lập tiêu chuẩn cho cả ngành công nghiệp, khẳng định vị thế không ai sánh kịp về khoa học ô tô. Một trong những yếu tố quyết định sức hút mãnh liệt của xe Đức chính là biểu tượng của thành công. Họ không sản xuất xe cỏ, đẩy khách hàng vào một lựa chọn duy nhất là xe sang, qua đó chuyển tải thông điệp nhất quán về định vị xuất xứ, chứng minh xe Đức luôn là tượng đài bất tử. Đẹp mắt, đắt tiền. 

Vì đâu xe Nhật chậm đổi mới?

Rạng danh trên toàn thế giới về giá trị bền bỉ và chất lượng vượt trội, thương hiệu xe Nhật như Toyota, Honda, Mazda đã chiếm được lòng tin của hàng tỷ người xuyên suốt nửa thế kỷ. Tuy nhiên, các hãng xe Nhật cũng khiến cộng đồng yêu xe vừa thương vừa tức bởi “lười” thay đổi.

Điều gì tồn tại cũng có lý do của nó. Trong cuộc tái thiết sau thế chiến thứ hai, Nhật Bản triệt để áp dụng công nghệ và thiết kế ô tô dựa trên triết lý “Kaizen” cải tiến liên tục. Thay vì thực hiện những bước nhảy vọt, các hãng xe Nhật tối ưu từng bước, cải thiện liên tục những mẫu xe hiện có. Đây là một phần bản sắc dân tộc và quản trị sản phẩm của đất nước mặt trời mọc, nơi sự hoàn thiện được đánh giá cao hơn sự đổi mới không chắc chắn. Đối với người yêu xe, sự hài lòng trong việc sở hữu một chiếc xe không chỉ nằm ở vẻ ngoài mới mẻ, mà còn ở chất lượng vận hành ổn định. Vì lẽ đó, các thương hiệu Nhật Bản không vội thay đổi, bởi mỗi thay đổi đều kéo theo những mắt xích liên quan, đặc biệt là chuỗi cung ứng linh phụ kiện. 

Sự cạnh tranh quyết liệt trong ngành ô tô dựa trên giá trị niềm tin thương hiệu xây dựng. Thương hiệu xe Nhật đã đạt được tiêu chuẩn “vàng” trong mắt người tiêu dùng về niềm tin này. Toyota là đại diện điển hình. Khi cả thế giới sôi sục trước làn sóng xe điện, Toyota vững tâm đầu tư cho công nghệ hybrid. Các mẫu xe chiến lược Camry, Corolla, Innova khoác lên màu áo hybrid theo thời gian, trong khi thiết kế bên ngoài, nội thất bên trong vẫn chậm chân hơn đối thủ. Masahiko Inoue, tổng quản mảng xe Subaru trả lời trong một lần phỏng vấn: “Người tiêu dùng luôn đòi hỏi xe phải mạnh như súng, giống các bà vợ luôn yêu cầu các ông chồng. Nhưng họ đâu hề biết, động cơ mạnh phải đi kèm hộp số, khung gầm, hệ thống treo, vật liệu chế tạo…, tất cả các chi tiết phải khớp nhịp để tạo ra thế cân bằng tuyệt đối cho chiếc xe khi di chuyển trên mọi địa hình. Bạn đâu thể yêu cầu ông chú U50 bắn hai phát liên tiếp trong một giờ!”.

Sự ít thay đổi phản ánh văn hóa sản xuất, triết lý kinh doanh, và cả chiến lược thiên tài trong việc duy trì niềm tin và sự trung thành của khách hàng. Thay đổi để thích nghi, không thay đổi để đánh mất giá trị cốt lõi. Thay đổi để thoả hiệp thì dễ. “Thoả hiệp song hành” nghĩa là thay đổi từng chút, nhưng vẫn giữ chén cơm, mới mang lại giá trị bền vững. Trên quan điểm này, Nhật Bản là bậc thầy.

"LỜI KHEN, LỜI PHÊ"

Khảo sát

Bình Luận