Forum Orange Ngang

Điểm danh 4 hãng xe Ấn Độ & Malaysia

Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam là 4 quốc gia Châu Á hiếm hoi có khát vọng mãnh liệt phát triển thương hiệu ô tô cho riêng mình. Thái Lan…

Thứ sáu, 29/09/2023
0 comments
Ấn Malay Thumbnail

Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam là 4 quốc gia Châu Á hiếm hoi có khát vọng mãnh liệt phát triển thương hiệu ô tô cho riêng mình. Thái Lan và Indonesia là 2 ông trùm tiêu thụ và lắp ráp xe khu vực Đông Nam Á trong hơn 40 năm, nhưng chấp nhận vai trò công xưởng.

Ấn Độ – đất nước tỷ dân, ngồi cân thế giới

Ngày 30/07/2022, hãng xe Mahindra Ấn Độ phát đi thông báo bắt đầu nhận đơn đặt hàng online cho mẫu SUV 5 chỗ Scorpio-N. Chỉ 55 giây sau, đã có 25.000 đơn đặt mua. Sau 30 phút, con số này tăng lên 100.000 đơn. Quá đông người chen lấn online, dẫn đến website quá tải. 

Số lượng chốt đơn thần tốc như thế chỉ có thể xảy ra ở đất nước đông dân nhất thế giới như Ấn Độ với hơn 1,4 tỷ người. Cũng trong năm 2022, số lượng xe tiêu thụ ở Ấn Độ là 4,4 triệu xe, đứng thứ 3 thế giới. Hãng xe nước ngoài thành công nhất tại Ấn Độ, thật bất ngờ, là Suzuki, thông qua thỏa thuận hợp tác toàn diện với chính phủ từ năm 1982: cam kết đầu tư, tỷ lệ nội địa hóa, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân sự…

Tata Motors : 1945

Tata Motors là thành viên thuộc Tata Group, tập đoàn tư nhân lâu đời và lớn nhất Ấn Độ thành lập từ năm 1868, kinh doanh đa ngành với hàng trăm công ty khác nhau. Năm 1945, Tata Motors được tách riêng, lần lượt hợp tác với các anh lớn Đức, Mỹ, Nhật lắp ráp xe, học hỏi kinh nghiệm để tìm kiếm con đường khởi nghiệp độc lập.

Bước tiến của Tata bắt đầu vào năm 1991 khi ra mắt mẫu xe Tata Sierra, và trở thành nhà sản xuất Ấn Độ đầu tiên có khả năng phát triển một chiếc ô tô bản địa. Năm 1998, Tata Indica ra đời. Năm 2008, đến lượt Tata Nano ra mắt, mẫu xe rẻ nhất thế giới (lấy cảm hứng thiết kế từ Daewoo Matiz) với giá bán chỉ $2.500. Cũng trong năm 2008, Tata xuống tiền mua Jaguar Land Rover, tạo nên cú nổ long trời lở đất trong ngành ô tô Ấn Độ và thế giới. Tata phổ biến ở Việt Nam với các dòng xe tải.

Mahindra: 1945

Cũng là M&M nhưng không bán socola. Mahindra & Mahindra thành lập năm 1945 bởi 2 anh em tỷ phú JC và KC Mahindra. M&M ban đầu sản xuất máy cày, đến năm 1996, mảng ô tô chính thức được thành lập. Đúng vào năm 2000, thời khắc linh thiêng của vũ trụ, Mahindra tung ra Mahindra Bolero, trở thành mẫu xe SUV bán chạy nhất tại Ấn Độ trong 10 năm liền.

Năm 1995: Hợp tác sâu sắc với Ford để phát triển và định hình dòng xe SUV tại Ấn Độ. Năm 2011: Chính thức mua luôn Ssangyong Hàn Quốc sau nhiều năm mua bản quyền sản xuất. Năm 2015: Mua hãng thiết kế lừng danh Pininfarina của Italy. Vận hành 6 nhà máy lắp ráp, một trung tâm kỹ thuật tại Mỹ, cùng khát vọng mở lối xe điện Ấn Độ bước ra thế giới, liệu tỷ phú Mahindra có là tay chơi đủ Rupee để xây dựng thương hiệu ô tô cạnh tranh toàn cầu?

Malaysia – chỉ 2 cái tên, làm nên kỳ tích

Nền công nghiệp ô tô Malaysia được hình thành kể từ khi Volvo Cars mở nhà máy lắp ráp tại Shah Alam, Selangor vào năm 1967. Đến năm 1984, sau gần 2 thập kỷ chỉ đi lắp ráp, Proton – công ty ô tô nội địa đầu tiên của Malaysia chính thức thành lập với sứ mệnh sản xuất ô tô cho người dân Malay. Một năm sau, tức năm 1985, mẫu xe quốc dân Proton Saga ra đời, được người dân phấn khích bầu chọn Proton Saga là “Người đàn ông của năm”, chuyện chưa từng có tiền lệ khi danh hiệu lẽ ra dành cho các quý ông nay lại được trao cho một chiếc xe hơi.

Có 3 điểm đặc biệt về ngành ô tô Malay. Thứ nhất, 2 hãng xe nội địa có thể sản xuất một chiếc xe từ A đến Z, bao gồm cả động cơ và hộp số. Thứ hai, xe nội địa chiếm hơn 64% thị phần dưới sự cạnh tranh gay gắt của hơn 40 thương hiệu xe nước ngoài. Và thứ ba, xe Malay hầu như chỉ bán trong nội địa Malay, không xuất khẩu.

Proton: 1983

Vào những năm đầu thập niên 80, chính xác là năm 1983, Dr Mahathir lúc này đảm nhiệm vai trò Phó Thủ tướng Malaysia đã tung ra dự án quốc gia: sản xuất xe hơi trong nước, đặt tên Proton. Với ông, Proton không chỉ sản xuất xe mà cả một ngành công nghiệp, là khát vọng của một đất nước đang phát triển. Proton cũng là cơ hội để người Malaysia học cách làm việc hiệu quả của người Nhật.

Năm 1985, Proton Saga ra đời. Lịch sử ngành ô tô công nghiệp Malaysia có thể nói, nên được tính từ thời điểm này. Mẫu sedan quốc dân Proton Saga hiện vẫn được sản xuất và bán ra trong khoảng giá 200 triệu đồng, nếu quy đổi sang tiền Việt. Năm 2019, trong một lần sang thăm Việt Nam, Dr Mahathir khi đó ở tuổi 94, trực tiếp cầm lái VinFast Lux SA2.0, và tiếc mình không thể chơi hết ga hết số, vì đoạn đường thử xe hơi ngắn. Ô tô là một trong hai niềm đam mê lớn nhất của cuộc đời ông.

Perodua: 1992

Năm 1991, vẫn là Dr Mahathir phất cờ cho dự án công ty ô tô nội địa thứ hai sau Proton, mang tên Perodua, liên doanh với Daihatsu Nhật Bản. Công ty được yêu cầu nhắm vào phân khúc giá mềm như bún, bán xe cho người lao động bình dân, không cạnh tranh trực tiếp với “anh lớn” Proton.

Vâng. Năm 1992, Perodua ra đời. Dù thành lập sau Proton, hãng xe tư nhân nội địa Perodua (sau khi được cổ phần hoá) đang thống lĩnh thị trường bằng nhiều sản phẩm và cách bán hàng độc đáo. Điển hình như đầu năm 2022, hãng tung ra mẫu xe Perodua Axia E (dựa trên nền Toyota Wigo thế hệ cũ) rẻ nhất Đông Nam Á với giá bán tương đương 115 triệu. Perodua Myvi đẹp long lanh, 250 triệu, tràn ngập mọi ngả đường Malaysia. Bốn bánh. Che nắng che mưa. Cầm lái nhẹ nhàng. Đặc biệt không ngáo giá. Ước gì, Việt Nam mình…

"LỜI KHEN, LỜI PHÊ"

Khảo sát

Bình Luận