Ngành công nghiệp ô tô Mỹ không chỉ có những chiếc xe chạy nhanh như điện, công nghệ dẫn dắt thế giới, mà còn có những câu chuyện kịch tính về các hãng xe. Điển hình như câu chuyện của Ford và Tesla, hai hãng xe đối lập nhau về mọi mặt. Tesla tạo ra cuộc cách mạng về xe điện, có giá trị thương hiệu vô đối. Ford sản xuất hàng trăm triệu chiếc xe cho thế giới, nhưng vẫn đang cố gắng duy trì vị thế của mình qua từng năm. Hai hãng xe này là minh chứng cho sự biến động không ngừng của ngành công nghiệp ô tô. Chúng ta cùng tìm hiểu nhanh về 5 hãng xe tiêu biểu của Mỹ đã góp phần tạo nên sự thay đổi ngoạn mục về cách di chuyển của thế giới trong hơn 100 năm qua.
Dodge: 1900
Dodge được thành lập trước cả Ford, năm 1900 bởi hai anh em nhà Dodge là John và Horace. Khởi điểm, Dodge là nhà cung cấp phụ tùng, động cơ, hộp số cho các hãng xe khác ở Detroit. Họ bắt đầu sản xuất xe hơi hoàn chỉnh dưới thương hiệu “Dodge Brothers” năm 1914, trước khi được Chrysler mua lại vào năm 1928. Định vị “xe cơ bắp”, thị trường chính của Dodge là Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Caribe, Châu Âu và Trung Đông. Một số mẫu xe làm nên tên tuổi của Dodge là Charger, Challenger, Viper và Ram. Anh em nhà Dodge được xem là hai nhân vật có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô thuở sơ khai. Mặc dù xu hướng tập gym đang lên ở Việt Nam, nhưng các thiết kế cơ bắp của Dodge không vừa mắt các anh chị em.
Cadillac: 1902
Nhắc đến Cadillac, chỉ Cadillac, ngay lập tức người ta hình dung ra một chiếc xe limousine sang trọng bậc nhất dành cho giới quý tộc, nhà lãnh đạo. Không giống nhiều hãng xe đặt theo tên người sáng lập, Cadillac thành lập năm 1902, đặt theo tên của Antoine De La Mothe Cadillac, người lập ra thành phố Detroit, bang Michigan, Hoa Kỳ. Chỉ sau 2 năm thành lập, gã khổng lồ GM đã mua lại Cadillac vào năm 1904 và biến Cadillac trở thành thương hiệu xe siêu sang trong hơn một thế kỷ tiếp theo. Cadillac hiện là hãng cung cấp xe cho các tổng thống Mỹ. Ba đời tổng thống Mỹ đến Việt Nam từ Obama, Trump đến Biden luôn có Cadillac One “The Beast” bao bọc bên ngoài.
Ford: 1903
Ford là một trong những hãng xe lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới được thành lập vào năm 1903 bởi Henry Ford, một nhà công nghiệp và doanh nhân Mỹ. Trong suốt bề dày lịch sử, Ford đã tạo nên rất nhiều cuộc cách mạng, cho chính Ford và cho ngành công nghiệp ô tô. Đầu tiên là mẫu xe Model T ra đời năm 1908, đã thay đổi mãi mãi phương thức di chuyển từ 4 chân sang 4 bánh. Tiếp theo, dây chuyền sản xuất lắp ráp hàng loạt để tăng tốc số lượng và hạ giá thành. Ngày nay, Ford Ranger là mẫu xe bán tải luôn nằm trong top bán chạy ở nhiều thị trường toàn cầu. Tại Việt Nam, Ford Ranger luôn mất ngủ vì không có đối thủ. “Không ngừng sáng tạo thì sẽ không sợ bị diệt vong” là một trong những di ngôn để lại cho đời của ông hoàng ô tô Henry Ford.
Buick: 1903
Sở hữu bởi tập đoàn General Motors, Buick cũng là cái tên “sừng sỏ” với bề dày lịch sử đáng khâm phục. David Dunbar Buick thành lập Buick Motor năm 1903, nhắm tới nhóm khách hàng tinh hoa trong xã hội lúc bấy giờ, nên còn có nickname là “Doctor’s car”. Buick Roadmaster được xem như thiết kế nổi tiếng nhất của Buick và là một trong những mẫu xe đáng sưu tập suốt lịch sử hơn 100 năm. Năm 1999, Buick theo chân GM tiến vào Trung Quốc, định vị phân khúc xe sang và gầy dựng thương hiệu thành công với các mẫu Sedan và SUV. Từ đó đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Buick, ngoài Bắc Mỹ và Mexico.
Chevrolet: 1911
Thành lập năm 1911 bởi Louis Chevrolet, một tay đua và kỹ sư người Thụy Sĩ và William Durant, người sáng lập và điều hành General Motors thời đó, Chevrolet đã ngay lập tức gặt hái thành công từ những ngày đầu. Classic Six ra mắt 1912. Tiếp đó là 1932 Deluxe Sport Coupe, mẫu xe đẹp nhất của Chevrolet trước thế chiến thứ hai. Chevrolet Corvette phiên bản đầu tiên ra mắt năm 1953 đã trở thành mẫu xe kinh điển của thế giới (và vẫn được bán đến tận ngày nay). Trải qua hơn 100 năm có suy có thịnh, phong cách lãnh đạo và kinh doanh khác biệt của William Durant vẫn được GM lưu truyền và tiếp bước: đó là đi mua các hãng xe đối thủ.
Tạm kết
Thông qua một vài hình ảnh minh hoạ về kiểu dáng thiết kế của các mẫu xe xưa, chúng ta dễ dàng thấy được có sự khác biệt lớn về thiết kế giữa các hãng xe với nhau, so với ngày nay, khi chưa đặt nặng các yếu tố mua bán & sáp nhập, toan tính toàn cầu, và giá trị thương hiệu. Ô tô ngày nay thiết kế tại Ý, động cơ của Đức, khung gầm của Nhật, xe thương hiệu Mỹ, bán trên toàn thế giới đã trở thành những mắt xích không thể tách rời.