Tiếp nối phần 1, chúng ta cùng tìm hiểu thêm về 5 hãng xe và một vài nét chấm phá nữa về ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Nơi tạo ra 1,6 triệu việc làm, tiêu thụ gần 14 triệu xe mới mỗi năm (số liệu năm 2022, gấp 35 lần so với Việt Nam), nhập khẩu phụ tùng từ Mexico, kiểu dáng thiết kế cơ bắp đậm chất Mỹ, và đôi cánh Tesla.
GMC: 1911
Rapid Motor Vehicle và Reliance Motor Car sáp nhập vào năm 1911 sau khi được GM mua lại, đặt tên GMC. Trong suốt 2 cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai, GMC hầu như chỉ sản xuất xe tải và xe quân sự theo đơn đặt hàng của chính phủ. Sau khi mua tiếp AM General, một hãng xe quân sự nổi lên từ chiến tranh vùng vịnh năm 1991 với mẫu Humvee, GM đã hợp nhất AM General vào GMC, ra mắt mẫu xe cơ bắp chắc nịch Hummer. Ngày nay, xe tải và xe bán tải vẫn là 2 dòng xe chủ lực của GMC, ngoài SUV và xe van. Việt Nam không chuộng GMC và Hummer vì kích thước quá khủng, uống xăng như bợm nhậu.
Lincoln: 1917
Thành lập năm 1915 bởi Henry Leland, cũng là nhà đồng sáng lập Cadillac trước đó, Lincoln là hãng xe duy nhất đặt tên thương hiệu theo tên tổng thống. Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới Thứ nhất, Lincoln sản xuất động cơ máy bay. Đến năm 1922, Lincoln bán cho Ford. Trong thời huy hoàng của mình, Lincoln được biết đến rộng rãi như nhà cung cấp limousine chính thức cho các Tổng thống Hoa Kỳ. Các mẫu xe Lincoln có đặc điểm hoành tráng và xa xỉ, ít khi được nhìn thấy lăn bánh trên đường, mà thường xuất hiện trong tiệc cưới. Đối thủ cạnh tranh duy nhất hơn 100 năm của Lincoln từ trước đến giờ vẫn luôn là Cadillac, một thương hiệu cũng do Henry sáng lập, thuộc sở hữu bởi GM.
Chrysler: 1925
Chrysler được thành lập bởi Walter Chrysler, người thợ cơ khí tài năng của hãng xe Buick (ra đời trước đó 25 năm). Vào những năm 50, 60 đến 70 của thế kỷ 20, Chrysler rạng danh khắp nước Mỹ về kỹ thuật chế tạo động cơ trong các nhiệm vụ phóng tên lửa, đưa người lên mặt trăng, đưa phi hành gia Mỹ lên vũ trụ… Thành công trong các nhiệm vụ quốc gia, nhưng Chrysler tan nát trong kinh doanh, lần lượt bán cho Daimler của Đức, Fiat của Ý. Hiện tại, Chrysler trực thuộc liên minh đa quốc gia Stellantis, tập đoàn đang quản lý 14 hãng xe “liên hợp quốc”, từ Italy đến Đức, Pháp và Mỹ: Chrysler, Zeep, Dodge, RAM.
Jeep: 1941
Sinh ra trong thời chiến. Biểu tượng của nhà binh. Chuyên chở tinh thần thép. Jeep được thành lập năm 1941 bởi Willys-Overland Motor. Tên gọi Jeep không đặt theo tên của bất kỳ cá nhân nào, mà được quân đội Mỹ gọi là “Jeep” kể từ thời điểm xuất hiện. Các mẫu xe Jeep được đồng sản xuất bởi 3 công ty ô tô của Mỹ là Willys, Bantam và Ford. Xe Jeep đã có mặt ở Việt Nam từ thập niên 60 theo chân quân đội Mỹ, khi đó được sản xuất bởi Ford. Một trong những mẫu xe huyền thoại của Jeep là Wrangler, ra mắt năm 1986 và vẫn được sản xuất, lên đời đến tận ngày nay. Jeep được bán chính hãng ở Việt Nam từ năm 2020, dành cho những tâm hồn phiêu lưu có khả năng tài chính mạnh.
Tesla: 2003
Lẽ ra Tesla không có tên trong series chuyên mục này, bởi là hãng xe điện. Nhưng những gì Tesla đã tạo ra trong 20 năm, đã thay đổi phương thức di chuyển của con người, không nhắc đến Tesla là một thiếu sót. Tesla được thành lập bởi hai kỹ sư Martin Eberhard và Marc Tarpenning năm 2003 tại California, sau đó được Elon Musk thổi Tesla đến tầm thế giới.
Khởi đầu với tiếng vang Roadster năm 2008, Model S bán chạy nhất thế giới năm 2012, đến mẫu xe Model X cửa có cánh, tốc độ phát triển thương hiệu của Tesla nhanh hơn vận tốc của bất kỳ chiếc siêu xe nào. Tesla đã phá vỡ định kiến “xe điện chỉ quẩn quanh trong sân golf” bằng tầm nhìn vĩ đại của người đàn ông vĩ đại Elon Musk.
Thay lời kết
Mỹ là một trong 3 nước cùng với Đức và Nhật có số lượng hãng xe (đủ tiêu chuẩn) nhiều nhất thế giới. Điều này không quá khó hiểu, khi cả 3 đều là những ông tướng trong 2 cuộc thế chiến, vô cùng thông thạo trong chế tạo, sản xuất cơ khí máy móc. Ba thành phần quan trọng nhất của một chiếc ô tô (động cơ đốt trong) bao gồm: động cơ, hộp số, khung gầm là 3 thứ không thể sao chép ngày một ngày hai, cần trải qua bề dày nghiên cứu và phát triển tính bằng nhiều thập kỷ. Đối với xe điện là động cơ điện, công nghệ pin-sạc, phần mềm hoàn toàn có thể nhân bản trong thời gian ngắn hơn rất nhiều. Hiện tại, Trung Quốc mới là nước có nhiều hãng xe (điện) nhất thế giới.