Forum Orange Ngang

Điểm danh các hãng xe Pháp

Pháp không còn là tên tuổi lớn trong lĩnh vực ô tô, nhưng lại là quốc gia có ngành công nghiệp ô tô lâu đời bậc nhất thế giới, khi hãng xe…

Thứ hai, 18/09/2023
0 comments
Pháp Thumbnail R2

Pháp không còn là tên tuổi lớn trong lĩnh vực ô tô, nhưng lại là quốc gia có ngành công nghiệp ô tô lâu đời bậc nhất thế giới, khi hãng xe Peugeot chế tác ra chiếc xe đầu tiên vào năm 1889, cách đây hơn 130 năm, thời xe ngựa lắc chuông vẫn đang thong dong khắp nẻo Sài Gòn.

Sức ảnh hưởng của ô tô Pháp thể hiện đậm nét ở khu vực Đông Dương từ 1919 (thời điểm hãng xe Citroen được thành lập) đến 1954, đơn giản vì Pháp hiện diện ở đó. Mẫu xe La Dalat do Citroen sản xuất tại Việt Nam đã trở thành huyền thoại của một thời binh biến. Renault 4CV không bao giờ vắng mặt trong các hình ảnh về Sài Gòn xưa. Ông hoàng tốc độ Bugatti Chiron được săn lùng bởi các siêu sao. Bugatti La Voiture Noire “Bữa tiệc cho đôi mắt” là chiếc xe thương mại khiến con người ta mê mệt điên đảo với mức giá hoang đường gần 19 triệu USD, đắt thứ hai thế giới. Nước Pháp, một khi đã nghệ, là nghệ tới đỉnh tháp mới chịu.

Peugeot: 1889

Peugeot, thương hiệu cổ nhất nhì trong thế giới ô tô, điểm danh từ năm 1810 với xuất phát điểm là nhà máy bột mì; nhà máy thép; nhà máy xe đạp; cuối cùng mới chuyển sang sản xuất ô tô. Câu chuyện ô tô khởi nguồn năm 1889, khi chiếc ô tô 3 bánh đầu tiên ra đời do người cháu thừa kế Armand Peugeot thiết kế và sản xuất. Năm 1948, mẫu xe 4 bánh Peugeot 203 xuất hiện. Thập niên 60 và 70, Peugeot 404 nổi danh khắp Sài Gòn, lăn bánh đến tận Châu Phi và Cuba. Peugeot có nguyên tắc đặt tên xe theo số, bao gồm 3 con số với số 0 ở giữa, như 203, 309, sau này bổ sung thêm một số 0, thành 4 con số như Peugeot 3008, 5008 như chúng ta biết. (Porsche 911 ban đầu có tên Porsche 901, nhưng bị Peugeot kiện lên “Bao Thanh Thiên” vì đã đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ đặt tên xe 3 con số. Bạn là bạn, mà luật là luật. Porsche như thường lệ, tăng tốc trong 3 giây, đổi tên thành 911 và giữ nguyên đến ngày nay)

Renault: 1899

Năm 1899, anh em nhà Renault bao gồm Louis, Marcel và Ferand thành lập hãng xe tại Boulogne-Billancourt, ngoại ô Paris (hiện vẫn là tổng hành dinh). Thời chiến, Renault sản xuất súng đạn và xe tăng. Đến năm 1950 và 60, Renault bước ra thị trường toàn cầu, để lại dấu ấn sâu đậm trên đất Việt thập niên 60 và 70 bằng mẫu xe huyền thoại Renault 4CV, nickname taxi con cóc.

Tên tuổi Renault lớn mạnh không đến từ các mẫu xe mà thông qua các cuộc đua F1, với cả vai trò nhà cung cấp động cơ và đội đua. Hãng xe Renault Pháp xuất hiện lần đầu tại Việt Nam năm 2010, rút năm 2017, trở lại 2020, rồi lại rút năm 2021. Mệt ghê luôn. Thị hiếu mua ô tô của người Việt từ trước đến nay có lẽ chỉ xoay quanh 3 trục Hàn-Nhật-Đức. Renault hiện nằm trong liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi.

Bugatti: 1909

Hãng siêu xe nước Pháp Bugatti sáng lập bởi một người Ý, nhiều năm do người Đức (Volkswagen) quản lý, hiện tại chủ nhân là người Croatia. Kỹ sư động cơ kiêm nhà điêu khắc gỗ Ettore Bugatti lập nên huyền thoại Bugatti khi ông 19 tuổi với phát minh mẫu xe 3 bánh gắn 2 động cơ. Trong suốt hành trình của mình, Bugatti chỉ làm 2 kiểu xe: siêu xe và siêu tốc độ cho cả đường đua và đường phố. Bugatti Type 13 và Type 15 đã để lại những dấu mốc vàng son trong lịch sử đua xe thế giới. Năm 2005, phiên bản thương mại Bugatti Veyron “Ông hoàng tốc độ” chính thức xuất xưởng, người đi đường mới biết đến thương hiệu Bugatti nhiều hơn. Hai mẫu xe Bugatti Veyron và Bugatti Chiron, bằng cách nào đó, đã âm thầm ghé thăm Việt Nam, khiến người đi đường muốn ngất xỉu khi thấy 2 chiếc xe lướt qua trong chớp mắt.

Citroen: 1919

Citroen được André Citroën thành lập năm 1919 và trở thành hãng xe châu Âu đầu tiên sản xuất xe hơi hàng loạt theo mô hình Ford. Nhỏ, nhẹ, rẻ là 3 đặc điểm chính của các mẫu xe Citroen. Người Việt sinh sau chiến tranh sẽ không biết Citroen, ngoài những ông cụ U70 trở lên. Từ năm 1936, theo chân người Pháp, Citroen đã mở nhà máy sản xuất xe hơi ở Sài Gòn. Mẫu xe La Dalat xuất xưởng từ nhà máy Citroen, Sài Gòn trong thập niên 60 từ đôi bàn tay của những công nhân người Việt cũng có thể gọi là ngọn cờ đầu, truyền cảm hứng cho VinFast trong nửa thế kỷ sau.

Citroen DS (cùng với Volkswagen Beetle “xe con bọ”) được bình chọn là một trong những mẫu xe có ảnh hưởng nhất đến ngành công nghiệp ô tô ở thế kỷ 20. Với người Việt, Citroen chỉ còn cái tên, cái tuổi, và những chiếc xe cũ như các cụ, mang giá trị nhìn ngắm, sưu tầm.

"LỜI KHEN, LỜI PHÊ"

Khảo sát

Bình Luận