Thái, Inđô, Nhật, Mỹ, Đức và Châu Âu là những khu vực xuất xe vào Việt Nam trong mấy chục năm nay. Chỉ một mình VinFast xuất ngược xe ra thế giới. Liệu Thaco và Thành Công sau bao năm lắp ráp, có khát vọng tạo dựng một hãng xe riêng, cho người Việt, và cho thế giới?
#Thái Lan: Thiên đường bán tải
Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan nổ máy từ rất sớm, năm 1961, thời điểm công ty xe hơi Anglo-Thai Motor Company (liên doanh giữa Ford và Công ty Công nghiệp ô tô Thái Lan) bắt đầu lắp ráp tại địa phương. Các nhà sản xuất Nhật Bản như Toyota, Nissan, Isuzu xuất hiện ngay sau đó. Để bảo hộ tuyệt đối cho xe lắp ráp trong nước, chính phủ Thái Lan mạnh tay tăng thuế xe nhập khẩu từ 150% lên 300%, song song với chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện, phụ tùng. Đến thập niên 90, khi xe lắp ráp trong nước đạt tỉ lệ nội địa hoá 80%, Thái Lan đã trở thành cường quốc lắp ráp ô tô của Đông Nam Á và thế giới. Thairung là hãng xe nội địa Thái duy nhất tồn tại từ năm 1967. Nhìn con xe Thairung Transformer này hét giá một tỷ mốt, liệu bạn có dám chốt?
Thị trường Thái Lan tiêu thụ 850.000 xe/2022, đứng thứ 2 Đông Nam Á, nhưng là nước lắp ráp ô tô nhiều nhất khu vực, đặc biệt xe bán tải từ Thái Lan xuất khẩu đi khắp thế giới. Trong số 5 xe bán chạy nhất Thái Lan ở nhiều thời điểm có đến 3 mẫu bán tải: Isuzu D-Max, Toyota Hilux, Ford Ranger; Toyota Vios đứng thứ 4; Honda HR-V thứ 5. Thái Lan cũng mạnh vô địch về xuất khẩu phụ tùng và độ xe các thể loại. Tại Thái Lan, các hãng xe Nhật vẫn là những người định game ô tô.
#Indonesia: Zero hãng xe nội địa
Với dân số trên 280 triệu người, Indonesia là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có số lượng tiêu thụ trên 1 triệu xe, cụ thể 1.048.000 xe/2022. Ngoài ra, Indonesia còn là đại công xưởng của các hãng xe Nhật từ những năm 2000, định hướng trở thành ông trùm lắp ráp xe điện trước năm 2030 khi ra quyết sách tạo mọi điều kiện ưu đãi cho Tesla Mỹ và BYD Trung Quốc đầu tư mở nhà máy.
Không như ở Việt Nam, người dân Inđô cuồng xe Nhật hơn xe Hàn. Mặc dù có 43 hãng xe đang hoạt động sôi nổi tại Inđô, nhưng 10 chiếc lăn bánh trên đường có 3,5 chiếc Toyota, cho thấy Toyota không còn là cái tên, nó ở cái tầm. Không có bất kỳ hãng xe nội địa nào để tự hào, người Inđô vẫn rất vui vẻ vì được mua ô tô giá rẻ. Toyota Wigo 250 triệu là lụm được rồi, Honda HR-V 500 triệu bỏ bịch mang về luôn.
#Đức: Đáng để chờ đợi
BMW là hãng xe Đức hoạt động và mở nhà máy lắp ráp tại Việt Nam sớm nhất, từ năm 1994. Sau đó đến Mercedes 1995; Porsche 2007; Audi 2008. Ngoại trừ Mercedes và BMW lắp ráp vài mẫu tầm trung tại Việt Nam, các xe Audi, Porsche đều nhập khẩu trực tiếp từ Đức và Châu Âu để đảm bảo chất lượng thượng hạng.
Con đường nhập xe về Việt Nam thông thường sẽ đi qua các bước: khách hàng đặt mua tại đại lý > đại lý hẹn thời gian giao xe từ 3 đến 12 tháng tuỳ mẫu > đại lý đặt nhà máy sản xuất. Sau khi sản xuất xong, xe lên tàu lớn, ship đến trạm trung chuyển là Singapore hoặc nước khác tuỳ chuyến, từ đó tiếp tục ship đến từng quốc gia đặt hàng. Khi đến nơi, xe được lưu kho, vệ sinh, đánh bóng, và bàn giao cho khách. Đối với siêu xe có giá (một) vài chục tỷ, nhiều xe chỉ được nhập về diễn, chứ không đăng ký lăn bánh, vì để lăn bánh, giá lăn bánh xxx lần giá xe.
Thay lời tạm kết
Các hãng xe mặc dù có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam, nhưng số lượng xe (phân khúc dưới một tỷ) nhập khẩu bán ra vẫn chiếm tỉ trọng áp đảo. Từ Thái hay Inđô ship xe về Việt Nam trong một nốt nhạc. Chắc phải cần thêm sáu bảy nốt nhạc nữa, người Việt mới có thể mua xe đồng giá như các nước bạn.