Không như Sedan và SUV, bán tải là dòng xe hiếm khi có thay đổi mang tính phá cách bên ngoài (nếu không độ lại). Cơ bản chỉ là chiếc SUV to xác, cắt giảm một số trang bị tiện nghi màu mè, và mang vác cái thùng dung tích lớn phía sau. Ở Thái, bán tải là công cụ mưu sinh, trong khi người Việt xem bán tải như phong cách sống.
Ford Ranger: Ngôi vương khó soán
Tháng 06/2001, Ford Ranger ra mắt 2 phiên bản lắp ráp trong nước, khi đó là lựa chọn của các nhà thầu xây dựng và nông trường sản xuất. Mười năm sau, Ford Ranger cải tiến nhẹ về thiết kế, từng bước tạo dựng khái niệm “chơi bán tải” trong các hội nhóm. Đến 2016, Ford từ bỏ các dòng xe nhỏ, tập trung hoàn toàn vào SUV và bán tải trên quy mô toàn cầu. Bước ngoặt của xe bán tải bắt đầu…
Phiên bản mới nhất 2023 của Ford Ranger có thể nói là phiên bản thể hiện trọn vẹn tinh thần chuyển đổi từ một chiếc bán tải chuyên chở sang công năng du lịch. Mọi tính năng và tiện nghi trên xe du lịch đều xuất hiện ở Ford Ranger, không thiếu một thứ gì, trong một diện mạo bề thế hơn hẳn. Một mình Ranger Mỹ chiếm hơn 60% thị phần bán tải trước 5 đối thủ Nhật. Ngự trị vững chắc ở phân khúc bán tải không đối thủ trong hơn 20 năm tại Việt Nam, Ford Ranger thực sự là một ngôi vương khó soán, có lẽ đến 20 năm tiếp theo.
Dương (Việt Nam): Cái thú của chơi Ford Ranger ở Việt Nam là có bạn có bè. Mặc dù mang thân xác bán tải, nhưng cảm giác lái của Ranger mang hơi thở đô thị nhiều hơn. Xét về độ lì lợm, mạnh bạo, bùn đất thì Hilux vẫn có nét riêng của nó.
Nissan Navara: Hoàng thượng ẩn mình
Năm 2010, Nissan Navara về Việt Nam từ biên giới Thái Lan. Dáng vẻ to cao, đầm chắc như một con trâu có tập luyện thể dục thể thao, Navara lập tức cắn vào miếng bánh của Ranger và Hilux cũng không có gì bất ngờ. Sang 2015, Navara được nâng cấp nhẹ về ngoại hình và khả năng vận hành, nhưng vẫn không mất đi dòng máu việt dã Navara vốn đã trở thành tiêu chuẩn từ năm 1986.
Nissan Navara hiện tại vẫn giữ khung gầm đầm chắc, hệ thống treo êm ái, nhưng ngoại hình đã được lột xác với lưới tản nhiệt to bản, động cơ tăng áp kép, chống ồn tốt hơn. Nói gì nói, Nissan Navara không có trang bị tiện nghi và ngoại hình đẹp mặt như Ford Ranger, nhưng bù lại, chủ nhân dễ dàng độ lại theo phong cách riêng nhờ giá bán dễ chịu. Cầm 100 triệu đi độ Navara, chúng ta có rất nhiều tuỳ chọn bất ngờ, miễn đừng mang con xe qua Thái, để mấy anh thợ bên đó thôi miên.
Hassan (Dubai): Tôi là dân di cư đến Dubai làm công nhân thôi. Vì không muốn nổi bật trước đám đông siêu giàu, tôi mua Nissan Navara đi lại hàng ngày, đi chơi cuối tuần, và đôi khi chở đồ chở đạc.
Isuzu D-Max: Lên đỉnh, chạm đáy
Luôn nằm trong top bán chậm tại Việt Nam kể từ ngày nhập khẩu, nhưng Isuzu D-Max luôn cháy hàng ở Thái. Nói cách khác, Isuzu D-Max đỉnh Thái, đáy Việt. Đường phố Thái Lan 6 chiếc D-Max mới có 1 chiếc Ranger. Thái là thiên đường bán tải, từ chở hàng đến chở heo, chở cả một kiot di động bán đồ ăn, thức uống, quà lưu niệm… Chúng ta cùng điểm qua 3 chi tiết, giải thích cho lý do vì sao Isuzu D-Max ế đau ế đớn tại Việt Nam.
Phải chăng giá rẻ nên bán ế? Rẻ hơn Navara vài chục, rẻ hơn Ranger cả trăm, nên người Việt không xếp D-Max vào phân khúc bán tải, mà 1/4 tải, hoặc 2/3 tải, vì nó đa năng đa dụng quá đi. Phải chăng tiết kiệm nhiên liệu nên bán ế? Máy dầu, nhỏ nhẹ, chỉ chạy thong dong từ đô thị đến đường trường chứ không mang đi đua được. Phải chăng số lượng đại lý khan hiếm nên bán ế? Cái này hẳn rồi, số lượng đại lý tuỳ thuộc vào chiến lược phát triển của mỗi hãng xe tại từng địa phương. Isuzu Việt Nam chỉ tập trung mạnh cho mảng xe tải và xe chuyên dụng, ô tô chỉ bán mỗi 2 mẫu D-Max và Mu-X thì mở đại lý bao phủ 63 tỉnh thành làm sao được.
Beerchai (Thái Lan): Gia đình tôi làm nông, mua con D-Max chủ yếu đi cày. Ban ngày chở full team ra đồng, đến mùa chở trái cây ra chợ. Khi có dịp liên hoan hội hè, chất lên xe mấy chục thùng beer, rồi chiến mấy chai.
Toyota Hilux: Huyền thoại bán tải
Nguyên thuỷ của Toyota Hilux khởi đầu từ Hino Motors, một công ty chuyên về xe tải các thể loại. Từ năm 1968 đến 2008, Hilux đã điểm danh gần như trên toàn cầu. Nhận thấy Việt Nam bắt đầu xuất hiện người dùng tìm đến xe bán tải, Toyota mang Hilux về Việt Nam năm 2009, thời điểm Ford Ranger đang định hình thị trường xe bán tải.
Bất kỳ mẫu xe nào có chữ “Toyota” đứng trước đều có sức mạnh tàng hình đối với người Việt, nhưng Toyota Hilux là một trường hợp ngoại lệ. Ở thế hệ thứ 8, Hilux đã tự làm mới mình qua hơn nửa thế kỷ, từ giải đua có địa hình khắc nghiệt bậc nhất như Dakar Rally, nghiên cứu thói quen lái xe ở 5 châu lục đến nâng cấp mạnh mẽ về động cơ và các công nghệ hỗ trợ vận hành an toàn, nhưng Hilux vẫn phải khép nép bên cạnh Ranger, nguyên nhân chủ yếu đến từ cách làm thương hiệu của Ranger quá bén.
Mabasa (Nam Phi): Cứng như thép. Bền như trâu. Ngoại hình lột xác ác liệt từ đầu đến đuôi. Tôi mua bản Hilux Sport, cảm giác lái má ơi nó sướng. Toyota Hilux là chiếc xe thần thánh ở Nam Phi chúng tôi.
Lời kết
Trong tổng lượng tiêu thụ ô tô 500.000 xe/năm, bán tải chiếm 5%, tương đương 25.000 xe của 6 thương hiệu. Một mình Ford Ranger Mỹ có doanh số bán hơn 5 hãng xe Nhật cộng lại. Một trường hợp cá biệt, xứng đáng đưa vào giáo trình huấn luyện bán hàng. Công năng hữu dụng nhất của xe bán tải “là tải”, nên đừng mua bán tải cho mục đích khác. Như con người chúng ta, chỉ khi được đặt đúng vị trí, đúng vai trò, đúng ngữ cảnh, khi đó, sức mạnh mới bùng nổ.