Công ty chủ quản Trung Quốc. Đặt trụ sở tại Thuỵ Điển. Nhà máy tại Châu Âu. Trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Hoa Kỳ. Bộ phận kỹ sư và nhà thiết kế đến từ khắp nơi trên thế giới. Hiện diện khắp toàn cầu. Đó là Lynk&Co.
Bước ngoặt mang tên Lynk&Co
Li Shufu thành lập tập đoàn Geely năm 1986, lăn bánh vào lĩnh vực ô tô năm 1997, cũng là hãng xe tư nhân đầu tiên tại Trung Quốc. Đến năm 2002, Geely được xếp hạng Top Ten trong danh sách những nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc. Bước ngoặt đến vào ngày 28 tháng 03 năm 2010 khi Geely mạnh tay đưa thương hiệu Volvo vào giỏ hàng từ Ford Motor. Đi mua lại những ông lớn trong ngành là chiến lược duy nhất được lựa chọn của các nhà sản xuất ô tô non trẻ. (Năm 2018, ngay khi khởi nghiệp VinFast cũng mua lại một phần Chevrolet, bao gồm nhà máy, nhân sự, hệ thống bán hàng đang hoạt động tại Việt Nam)
Năm 2016, thương hiệu Lynk&Co ra mắt (chỉ ra mắt, chứ chưa chính thức bán hàng) cộng đồng Châu Âu. Trụ sở đặt tại Gothenburg, Thuỵ Điển, quê nhà Volvo, nơi có tiêu chuẩn cao nhất trong ngành ô tô, Lynk&Co khao khát rút ngắn thời gian làm quen với thị hiếu tiêu dùng. Lynk&Co 01 mở bán năm 2017 tại thị trường nội địa Trung Quốc là một phép thử, để Lynk&Co đo đếm nhu cầu và hoàn thiện công nghệ. Đến mẫu xe Lynk&Co 09 ra mắt năm 2022, hãng xe đã cho thấy dáng dấp của một carmaker toàn cầu, rất biết lắng nghe người dùng, khi kết hợp hài hoà giữa kinh nghiệm sản xuất Geely, công nghệ an toàn Volvo, kiểu dáng thể thao Porsche. Một chiếc flagship đa quốc tịch dựa trên nền tảng Volvo XC90 được biến tấu mạnh mẽ, đẹp từ đầu đến đuôi, đẹp từ trong ra ngoài.
Khát vọng vươn xa toàn cầu
Ngày nay, sản phẩm “Made In China” đã đạt đến ngưỡng Made For Global. Tính đến tháng 04 năm 2022, các thương hiệu trực thuộc Geely như Volvo Thuỵ Điển, Proton Malaysia, Lotus Anh Quốc, Lynk&Co đã bán 12 triệu xe trên toàn cầu, qua đó chiến thắng giải thưởng “Nhà Vô Địch Bán Hàng” 5 năm liên tiếp giữa các hãng xe Trung Quốc. Bất kỳ thương hiệu xe nào muốn tồn tại, phát triển và rạng danh đều phải lăn bánh ở Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, 3 thị trường tiêu thụ xe hào phóng nhất thế giới. Tuy nhiên, Lynk&Co chỉ đang dạo chơi ở thị trường nội địa Trung Quốc, vài nước anh em Trung Đông, Nga, chưa sẵn sàng đến Mỹ “gõ đầu” Tesla. Tháng 12 năm 2023, Lynk&Co chính thức ra mắt Việt Nam.
Abdullah (Qatar): Các hãng xe Trung Quốc nói chung và Lynk&Co nói riêng vẫn còn rất mới đối với người dân Qatar. Ngay khi nhìn thấy Lynk&Co 09 trong showroom, tôi vẫn nghĩ model nào đó của một hãng xe Đức.
Linpeng (China): Một chiếc xe đầy hứa hẹn dựa trên nền tảng Volvo XC90 với mức giá chưa bằng 2/3. Khi đậu kề bên hai anh lớn BMW X5 hay Audi Q7, Lynk&Co 09 hoàn toàn tự tin, từ hình dáng bên ngoài đến xuất xứ bên trong.
Năm 2022, Trung Quốc tiêu thụ 7 triệu chiếc xe điện, các hãng nội địa chiếm 88% thị phần. BYD áp đảo tuyệt đối với 40%. Tesla 10%. Volkswagen 2%. Nói về xe điện, Trung Quốc chỉ kiêng nể mỗi Tesla, bỏ xa người Đức, bỏ túi người Nhật.
Trái đất vẫn cứ tròn, nhưng thế giới đã phẳng từ rất lâu, khi thị trường chứng khoán xuất hiện. Các ông chủ Geely và hầu hết hãng xe Trung Quốc đều mua cổ phần, cổ phiếu; ký kết hợp tác chiến lược; thoả thuận chia sẻ công nghệ với nhiều tập đoàn ô tô của Đức. Trong 5 hãng xe điện dẫn đầu Trung Quốc đều có sự hiện diện của các kỹ sư, nhà thiết kế Đức, bởi xe Đức vẫn là tượng đài sống động của ngành ô tô trong hơn 100 năm qua.
Với dải sản phẩm bao gồm 1 Sedan, 4 SUV với khoảng giá trải dài từ 700 triệu đến 2 tỷ, Lynk&Co đã tự định vị phân khúc tầm trung, điểm nhấn nằm ở thiết kế tầm cao và công nghệ tầm cỡ. Để lăn bánh toàn cầu, cho dù tại thị trường Việt Nam, các hãng xe phải cầu toàn. Sau 9 tháng ra mắt, Lynk&Co vẫn chưa xuất hiện nhiều trên đường phố, bởi một điều đơn giản: muốn đuổi kịp các anh lớn, cần phải có thời gian.